Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đã tạo nên những dấu ấn riêng trong thời tiết Việt Nam. Tuy nhiên ngoài bốn mùa cơ bản, vẫn còn một mùa vô cùng quen thuộc ở nước ta. Tuy nhiên nó lại là kiểu thời tiết khá khó chịu Nhất là với căn nhà của chúng ta. Đó chính là mùa “Nồm”. Vậy phải làm sao để đối phó với thời tiết ẩm ướt như vậy?. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!
Mùa Nồm là gì?
Mùa “Nồm” là một hiện tượng khí hậu đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Mùa Nồm thường xảy ra vào khoảng cuối xuân, đầu hè, vào tháng 3 và tháng 4. Mùa này có đặc điểm là thời tiết ẩm ướt, mưa phùn và sương mù, độ ẩm không khí rất cao.
Cái tên “Nồm” khá thú vị. Nó bắt nguồn từ sự kết hợp giữa khí hậu ẩm ướt với những cơn gió nồm (gió Đông Nam) thổi từ biển vào đất liền, mang theo hơi ẩm. Chính vì vậy, vào mùa này, sức khỏe và sinh hoạt của người dân rất cần được chú ý.
Mùa Nồm có ảnh hưởng như thế nào?
1. Ảnh hưởng đến sức khỏe
- Các bệnh về đường hô hấp: Mùa Nồm tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc và vi rút phát triển mạnh mẽ. Không khí ẩm ướt và sương mù làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, ho, viêm họng, viêm phổi, và đặc biệt là các bệnh dị ứng liên quan đến nấm mốc.
- Các bệnh về da: Độ ẩm cao cũng có thể dẫn đến các vấn đề về da như mụn, viêm nhiễm hoặc các bệnh ngoài da do vi khuẩn phát triển trong môi trường ẩm ướt.
- Khó thở: Những người có vấn đề về hô hấp như hen suyễn hay bệnh phổi mãn tính sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí bị cơn hen suyễn tấn công mạnh mẽ hơn trong mùa này.
2. Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
- Khó chịu do không khí ẩm: Không khí ẩm ướt gây cảm giác ngột ngạt và khó chịu. Trang phục, tóc tai, hay các vật dụng cá nhân dễ bị ướt. Mọi thứ có cảm giác “dính” và không thoải mái.
- Khó khô đồ: Quần áo, giày dép, khăn tắm,.. khó khô vì độ ẩm cao. Đặc biệt, giày dép dễ bị hôi do không khô kịp thời. Điều này gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày
- Vấn đề về giao thông: Mưa phùn và sương mù có thể làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây nguy hiểm cho giao thông. Cũng có thể gây tắc nghẽn các con đường vì mưa kéo dài khiến mặt đường trơn trượt.
3. Ảnh hưởng đến ngôi nhà và đồ vật
- Nấm mốc, mốc meo: Mùa Nồm khiến các vật dụng trong nhà dễ bị ẩm mốc. Các bức tường, sàn nhà, gỗ, thảm, … Các vật dụng như sách vở, giấy tờ cũng dễ bị mốc hoặc hỏng. Đặc biệt là những ngôi nhà có hệ thống thông gió kém.
- Hư hỏng đồ điện tử: Các thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng khác có thể bị hư hỏng do độ ẩm cao. Mạch điện của các thiết bị dễ bị oxi hóa và gây hư hỏng.
- Khó chịu với mùi ẩm mốc: Mùi ẩm mốc, thối trong không khí khiến ngôi nhà trở nên khó chịu. Mùi này có thể bám vào quần áo và đồ đạc trong nhà.
- Làm hỏng vật liệu xây dựng: Độ ẩm kéo dài có thể làm suy yếu chất lượng vật liệu xây dựng. Đặc biệt là các công trình sử dụng gỗ, sơn hay các vật liệu dễ bị ảnh hưởng bởi nước.
Làm sao để bảo vệ căn nhà thân yêu trước những tác động của mùa Nồm?
-
Thường xuyên thông gió: Bản chất của mùa Nồm chính là ẩm ướt. Vì vậy, nên mở cửa sổ vào những thời điểm không mưa. Điều đó để không khí lưu thông và giảm độ ẩm trong nhà. Tránh được tình trạng ẩm mốc đồ đạc.
-
Sử dụng máy hút ẩm: Việc sử dụng thêm các thiết bị công nghệ là một lựa chọn khá phổ biến hiện nay. Đặt máy hút ẩm ở các phòng có độ ẩm cao để làm giảm độ ẩm không khí. Nấm mốc vì thế cũng sẽ hạn chế xuất hiện. Tuy nhiên nên có sự tìm hiểu kĩ lưỡng về các loại máy trên thị trường hiện nay.
-
Bảo quản đồ đạc cẩn thận: Đặt đồ vật dễ hỏng như sách vở, giấy tờ, đồ gỗ ở nơi khô ráo. Bạn có thể dùng thêm túi hút ẩm để bảo vệ chúng.
-
Chống thấm cho tường: Sơn tường với loại sơn chống thấm, giúp ngăn nước từ ngoài thấm vào gây ẩm mốc.
-
Lau dọn thường xuyên: Căn nhà ẩm ướt thì việc lau dọn là không thể thiếu. Lau dọn nhà cửa thường xuyên để tránh bụi bẩn và nấm mốc tích tụ, đặc biệt ở các góc khuất.
-
Sử dụng chất chống mốc: Sử dụng các loại chất tẩy rửa chuyên dụng hoặc thuốc xịt chống mốc cho các vật dụng dễ bị ảnh hưởng như thảm, rèm cửa.
-
Lắp đặt máy điều hòa hoặc quạt: Sử dụng điều hòa hoặc quạt để làm khô không khí, giúp hạn chế ẩm mốc và mùi ẩm trong nhà.
Hy vọng với những giải pháp trên sẽ giúp bạn bảo vệ được căn nhà trước những tác hại của mùa Nồm!